Gian nan Nghề Làm Biển Quảng Cáo
Gian truân Nghề làm Bảng hiệu Quảng cáo
Đây là một tâm tư của tôi một người làm biển quảng cáo tâm huyết với nghề. cũng có chút kinh nghiệm 12 năm làm thợ và 3 năm làm "Dám đốc" vì thực tế nhiều đồng nghiệp của tôi và bản thân tôi cũng đang trong tình trạng như thế, nhất là thời điểm Đại dịch Covid-19 khó khăn, vừa là chủ Doanh nghiệp, vừa làm thợ, vừa là NV giao hàng...
Trước hết, phải nói rằng trong vòng khoảng 5 năm nữa, đây là một nghề mà chúng ta vẫn có thể sống với nó, nếu chúng ta có trình độ, năng lực thực sự.
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng một lần nghe nói rằng quảng cáo là một nghề hot, không bao giờ chết, làm Quảng cáo lãi lắm, không bao giờ lỗi thời, vân vân và mây mây. Cửa hàng này chuyển đi, thì cửa hàng khác mọc lên, và bảng hiệu thì luôn luôn cần thiết trong nền kinh tế “mặt tiền” như của Việt Nam. Nhưng có vẻ như chính quan điểm đó sẽ “giết dần, giết mòn” và bóp chết sự sáng tạo cũng như những giá trị mà nghề làm bảng Quảng cáo có thể mang lại cho xã hội.
Tại sao nghề làm Biển quảng cáo lại có dấu hiệu đang lụi tàn?
Câu chuyện nằm ở chữ “nghề”. Nếu bạn nói bạn làm “nghề quảng cáo”, tôi cá là không ai hình dung được, thậm chí là chính bạn cũng không biết đấy là nghề gì. Nghề gì mà bạn phải biết thiết kế đồ họa, biết leo trèo, biết sơn, biết vận hành máy, biết căng bạt, biết ốp tấm, biết dán chữ, biết đấu điện, biết hàn cắt, biết cơ khí, biết quan hệ, biết tìm kiếm khách hàng, biết báo giá… biết đủ thứ, mà lại còn phải biết sáng tạo và có óc thẩm mỹ nữa chứ. Vâng, chính nó đã, đang và sẽ bóp méo, bào mòn những giá trị của nghề, đẩy nghề này xuống cái mức mà không thể cứu vãn. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng bạn thử hình dung mà xem.
Sản xuất, gia công luôn nằm ở đáy của chuỗi cung ứng. Vốn dĩ, giá trị của nó đã thấp, Nhưng có vẻ nó ngày càng thấp đi và sẽ đến cái lúc mà chúng ta không thể sống được với nó trong cái tình cảnh thợ giỏi thì thiếu, mà giám đốc thì tăng theo cấp số cộng, à không, phải là cấp số nhân mới đúng.
Cấp số nhân nằm ở chỗ khi bạn mở một Công ty/cửa hàng quảng cáo, bạn phải có thợ, có nhân viên chứ bạn không thể làm mọi thứ. Bạn phải đào tạo nghề, nghĩ cách giữ thợ bằng việc “tăng lương, giảm giờ làm” hoặc làm bất cứ điều gì có thể. Rồi những người thợ của bạn, dù thế nào cũng sẽ đa phần có ý định ra làm riêng, ý đồ chèo kéo khách hàng của bạn, không sớm thì muộn, bởi thu nhập của họ có vẻ như không bao giờ là tương xứng với hàng đống công việc như đã kể ở trên. Hiếm lắm và có được bao người trung thành. Dù bạn có trả cỡ nào, thì họ cũng luôn nghĩ là họ xứng đáng hơn thế. họ đòi hỏi và rồi và họ ra đi, đi làm giám đốc mới và lại lặp lại vòng xoáy.
Và Giám đốc quảng cáo, sẽ đẻ ra hàng đống Giám đốc quảng cáo khác.
Đi đâu cũng gặp Giám đốc, CEO, Chủ tịch. thậm chí có người bạn của tôi lập lên một công ty TNHH Quảng Cáo quy mô nhỏ 5-7 người với hẳn 1 cơ sở 50m2 mặt bằng sx, sắm bộ đồ nghề đơn giản như máy hàn, máy cắt sắt, dụng cụ cầm tay...thế là đủ nhưng in hẳn cái bảng tên "Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành" để lên bàn cho oách xà lách. liệu bạn này hiểu biết gì về cái chức danh này?
Dung lượng thị trường quảng cáo nói chung và nghề Quảng cáo làm bảng hiệu nói riêng vẫn tăng trưởng. Nhưng mức tăng trưởng đó đang bị cơn lốc các giám đốc cuốn phăng. Và rồi, cơn lốc đào thải, nếu không diễn ra, sẽ đẩy ngành này xuống cái mức mà tất cả sẽ chỉ sống lay, sống lắt.
Thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu công nhân (bởi họ luôn đang trong quá trình đào tạo, điệp khúc tuyển, tuyển và quanh năm tuyển dụng). Có việc thì không có thợ, có thợ thì lại không có việc.
Sản phẩm làm ra chỉ ở mức rẻ mạt và thiếu điểm nhấn. Các giám đốc sẽ luôn phải đau đầu tìm cách đấu đá, hạ giá, bớt xén vật liệu để cạnh tranh không lành mạnh để mà có việc trả tiền cho công nhân với mức ngày một tăng và có mong có chút thu nhập cho riêng mình, hy vọng “có đam mê sẽ có tất cả”.
Bạn loay hoay hạ giá, để rồi thu nhập bản thân giảm, dẫn đến thu nhập công nhân không tăng, điều kiện sống của họ giảm theo vật giá, họ không được đóng bảo hiểm trong khi điều kiện lao động thì nguy hiểm, vất vả. Khi họ có tay nghề là lúc họ trở thành đối thủ của bạn. Và bạn lại tiếp tục phải đào tạo ra các giám đốc khác.
Tình trạng chủ cày cả tháng nhân viên chẳng biết làm hay nhân viên biết làm một chút nghĩ mình giỏi thì đòi hỏi, cao cành. Nưng đến cuối tháng chủ trả lương cho nhân viên hay gọi là "ông thợ" cho máu, có thiếu nghìn nào không?, trả thiếu một đồng họ thì chửi mình là vô đạo đức, làm ăn gì ăn chặn tiền của công nhân, siết chặt lề nối kỷ luật thì bảo hơi tý thì phạt, bóc lột..., rồi có lúc khó khăn tài chính dẫn tới chậm lương thì họ ra ngoài kể nể "thằng này, thằng nọ..." nhưng chốt lại là bạn vẫn phải xoay sở trả dù là chậm nhưng không thiếu một cắc.
Có cơ sở không có khách thì bảo là "chỗ này không có việc làm mấy làm làm gì không có tương lai". Cơ sở có nhiều khách thì lại bảo rằng "phải làm nhiều quá, mà lương có được bao nhiêu, thôi làm vậy thôi, chủ chỉ trả có từng đấy". Tự dưng bạn đang làm thuê cho chính mình, mình phải chiều bao nhiêu con người?
Bạn thấy khổ không, mệt mỏi không khi làm "Giám đốc", chúng ta phải thừa nhận trong trường hợp này, bản thân không phải là "Giám đốc" nữa rồi, mà là chủ, là "Khổ chủ" mới đúng. Vâng, dù thế nào thì ngày mai trời vẫn sáng. Và sẽ có một buổi sáng mà bạn tự nhủ, “thà đi làm thuê còn hơn”.
Ngày xưa 100 ông mua, có 10 ông bán. Ngày nay, có 1000 ông mua, nhưng có 5000 ông bán. Và ngày mai, có 1 vạn ông mua sẽ có 10 vạn ông bán. Cạnh tranh luôn là động lực của phát triển. Nhưng sự cạnh tranh manh mún, chộp giật sẽ giết chết mọi thứ. Câu chuyện của nghề này, nằm ở chỗ đấy.
Nếu tất cả chúng ta không bình tâm ngồi lại, học cách vượt qua vòng xoáy này, rồi sẽ đến lúc chúng ta bị thị trường này, dù không hoàn hảo, dìm xuống đáy.
Ngày nay, đã khó khăn trong vòng xoáy như vậy, một phần thất bại này là tình trạng bị các công ty, tập đoàn lớn chiếm dụng vốn, do đâu? làm hợp đồng lỏng lẻo, nhất là thời gian nghiệm thu, thời gian phải thanh toán, thậm chí có những Giám đốc còn ko soạn được cái hợp đồng cho riêng mình, đi sao chép...việc này nguyên do các "Giám đốc" đều đi lên từ kỹ thuật, từ thợ lên đều ít kỹ năng về quản trị, không có kỹ năng quản lý tài chính, đàm phán và chốt hợp đồng kém.
Cái cảm giác của bạn khi quanh năm làm nhưng cái biển bảng nhỏ lẻ 50k - 200k tới nhưng đơn hàng giá trị giá trị 20-50tr, rụp cái ký được cái 1 tỷ, 2 tỷ bạn nghĩ gì? mình giàu rồi ư, mình gặp thời rồi ư...phải xem xét hợp đồng kỹ đấy không là cõng thêm một đống nợ về.
Nói thật, cái nghề này có nhiều người thành công và có rất rất nhiều người thất bại, có Giám đốc làm mãi đến 5 năm, 10 năm...không có nổi một cái xe máy tử tế mà đi hay nhiều hơn là căn hộ chung cư nho nhỏ cho vợ con có mái ấm, cuối tháng, cuối năm thanh toán tiền nhà xưởng, tiền công thợ...là nhẵn túi. Nhất là khi nhà có việc gì cần tiền như vợ con, bố mẹ đau ốm, điệp khúc lại đi vay tiền rồi làm lụng trả dần. Một sự thực phũ phàng với các Giám đốc như vậy.
Chúng ta nên phải làm gì?
Giải pháp là chúng ta cần đoàn kết để trả lại những giá trị mà nghề này xứng đáng nhận được. Đây là lúc chúng ta cần xây dựng những tiêu chuẩn, nâng tầm quản trị quản lý để cơ cấu lại, cắt đứt vòng xoáy công nhân - giám đốc như ở trên. Chúng ta cần cho xã hội biết, đây là một ngành nghề khó khăn đầy rào cản, chứ không phải cứ có cái máy khoan, máy hàn và vài chục triệu trong tay rồi thuê cái cửa hàng là có thể thành công.
Nếu hiện tại bạn đang làm giám đốc, hãy tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho công ty của bạn, cho nhân viên của bạn. Hãy chuyên môn hóa, đưa cho họ đúng việc họ làm giỏi nhất chứ không phải cái gì cũng đến tay. Bạn phải đầu tư để nâng tầm của mình. Hãy tách riêng từng bộ phận. Thiết kế là phải giỏi, và chỉ làm thiết kế. Thợ thi công là phải giỏi, biết leo trèo, biết dán chữ, biết căng bạt, biết bắn vít, biết dán decal, là đủ rồi. Thợ cơ khí, hãy để họ hàn, cắt. Thợ sản xuất, hãy để họ chuyên tâm uốn chữ, cắm led. Thợ đấu điện, hãy để họ làm thợ điện, có ai hỏi họ còn biết trả lời là “vâng tôi là thợ điện”. Thợ CNC, hãy để họ chuyên tâm vận hành máy. Kế toán, hãy để họ lo thu thi, sổ sách. NV Kinh doanh hãy để họ tìm kiếm khách hàng. Chúng ta đừng manh mún nữa, hãy chuyên nghiệp.
Tiếp đến, chúng ta phải trả cho họ những gì mà họ xứng đáng. Hãy trả lương đúng với năng lực của họ. Hãy trang bị thiết bị lao động, bảo hộ an toàn đầy đủ cho thợ thi công. Đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho nhân viên. Hãy có chế độ đào tạo, nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý. Chế độ khen thưởng, tăng lương, đề bạt, thăng chức… cũng nên rõ ràng và phù hợp giống như mọi công ty, mọi ngành nghề khác. Hãy tạo ra môi trường làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và cạnh tranh.
Tôi biết, sẽ có người nói “tiền đâu mà làm những thứ đó”. Nhưng bạn ơi, con gà quả trứng là bài học bạn sẽ phải học. Bạn phải chấp nhận đầu tư, giống như một thương vụ kinh doanh thôi. Phàm trên đời này không chịu bỏ ra tiền bạc tâm sức chờ tự dưng trên trời rơi xuống thì chỉ có nước mưa và cứt chim thôi. Nếu không có tiền, hãy đi làm thợ, hãy về với đội có tiền, có tâm, có tầm và làm tốt nhất công việc mà bạn giỏi nhất. Hãy học hỏi tiếp tục và cống hiến hết khả năng. Khi bạn tích lũy được kinh nghiệm, khả năng, trình độ quản trị, vốn, mối quan hệ, hãy bắt đầu ra làm giám đốc, thị trường lúc đó sẽ đón nhận bạn.
Bạn đầu tư, bạn sẽ nhận lại xứng đáng. Khách hàng sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác. Bạn sẽ có lợi nhuận bằng đúng giá trị mà bạn bỏ ra. Giá sản phẩm sẽ tăng lên tương ứng với những giá trị gia tăng mà khách hàng nhận được.
Thị trường sẽ mở rộng. Bạn sẽ giữ được công nhân bởi họ sẽ chuyên tâm cống hiến. Bạn sẽ giữ được khách hàng bởi dịch vụ và chất lượng của bạn luôn tốt đủ để khiến họ trung thành. Từ đó, vòng xoáy ‘mất thợ - dịch vụ kém - mất khách hàng - hạ giá - lợi nhuận thấp - môi trường làm việc không tốt - mất thợ - tuyển thợ mới’ sẽ không còn diễn ra nữa. Để thị trường sẽ còn lại những con gà trống khỏe mạnh. Các giám đốc sẽ đúng nghĩa là các giám đốc. Ngành bảng hiệu sẽ được xã hội tôn trọng. Còn những người thợ sẽ có việc làm ổn định với môi trường làm việc chuyên nghiệp như mọi nghề khác, và họ sẽ có điều kiện để mà vỗ ngực tự hào, tao là "thợ quảng cáo".
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đanh ảnh hưởng trực tiếp đến mọi ngành nghề, liệu công ty, cửa hàng một Giám đốc như bạn trụ vững được bao lâu?
Có thể ngày mai bạn vẫn tồn tại. Có thể ngày mai bạn vẫn có tiền. Có thể ngày mai bạn vẫn giữ được những người bên cạnh mình. Nhưng xin hãy nghĩ về những tháng năm tiếp theo. Cho dù là làm biển công ty, làm biển cửa hàng, in bạt, in tờ rơi rồi cũng sẽ ít đi do yếu tố ảnh hưởng tới môi trường. Chúng dần được thay thế bằng công nghệ mới, bằng bảng điện tử, LCD, bằng công nghệ đột phá khác, công nghệ 4.0, trên nền tảng internet, Chúng ta cần hành động, ngay bây giờ.
- Fanpage: https://www.facebook.com/bienquangcao177
- Bloger: https://quangcaondt.blogspot.com/
- Pinterest: https://www.pinterest.com/toandesign_vn/
- Youtobe: https://www.youtube.com/channel/UCX7bp-e9c7uVhWqZG8deDOw
- Website 1: https://quangcaondt.com/
- Website 2: https://www.lambanghieunl.com/
- Website 3: https://netvietdecor.com/
- Email: quangcaonoithat.ndt@gmail.com
- Văn phòng: Số 68/205 đường Phú Diễn – Phường Phú Diễn – Q. Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội
- Xưởng Sản xuất: 86 Đường Tây Sông Nhuệ, P. Thụy Phương, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
Nhận xét
Đăng nhận xét